Pháp lý

Posted on Posted in Kết nối đầu tư

Việt Nam đang nổi lên là một thị trường tiềm năng để đầu tư. Các chính sách ưu đãi và pháp luật của Việt Nam, cùng với những tài nguyên thiên nhiên và những lợi thế khác của đất nước này, đã tạo nên một sức hấp dẫn nổi bật tại khu vực Đông Nam Á.

Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nền kinh tế trung ương tập quyền thành một nền kinh tế thị trường vô cùng khởi sắc. Trong suốt thời gian đó, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển vô cùng nhanh chóng, pháp luật Việt Nam cũng dần hoàn thiện hơn để kịp hòa nhập với tốc độ phát triển và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm hiểu thông tin trước khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam, IDJ Group sẽ khái quát pháp luật Việt Nam, đồng thời tóm tắt một số quy định pháp luật chủ đạo mà nhà đầu tư có thể sẽ cần đến khi đầu tư vào Việt Nam:

1. Khái quát về pháp luật Việt Nam

Hệ thống pháp luật Việt Nam được chia thành các cấp độ như sau:

  • Hiến pháp: đây là văn bản pháp luật có giá trị hiệu lực cao nhất, quy định chung các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, do Quốc Hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban hành;
  • Dưới Hiến pháp là các văn bản Luật, Bộ luật, Pháp lệnh (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Pháp lệnh Ngoại hối,…): đây là các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề trong từng lĩnh vực cụ thể, do Ủy ban thường vụ Quốc Hội (đối với Pháp lệnh) hoặc Quốc hội (đối với Luật, Bộ luật) ban hành;
  • Dưới Luật, Bộ luật, Pháp lệnh là các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Công văn,… do Chính phủ, các Bộ chuyên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương,…) và các cơ quan có thẩm quyền khác (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân) ban hành.

Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia vào các Cam kết, Điều ước Quốc tế khác. Theo đó, việc thực hiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cũng phải đáp ứng được điều kiện tương ứng trong các Cam kết, Điều ước Quốc tế này.

2. Pháp luật về đầu tư

Pháp luật về đầu tư cho phép nhà đầu tư thực hiện các hình thức đầu tư sau tại Việt Nam:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế: Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế đã được thành lập tại Việt Nam để thực hiện đầu tư tại Việt Nam.

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động trên nếu

(i) tổ chức kinh tế đó hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc

(ii) việc góp vốn dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế đó.

  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC: Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC.

3. Pháp luật về doanh nghiệp

Các loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào Việt Nam:

  • Công ty TNHH một thành viên:
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
  • Công ty Cổ phần:
  • Công ty Hợp danh: Đây là loại hình doanh nghiệp thường dành cho một số lĩnh vực như kiểm toán, luật,…

4. Pháp luật về đất

Nhà đầu tư có thể có quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo một trong những phương thức sau :

  • Nhận giao đất từ Nhà nước của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
  • Thuê đất từ Nhà nước của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
  • Thuê đất (có thể kèm tài sản gắn liền với đất) từ Ban Quản lý của một Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao;
  • Thuê lại đất (có thể kèm tài sản gắn liền với đất) từ một doanh nghiệp đã thuê đất từ Ban Quản lý của một Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao;
  • Nhận chuyển nhượng đất (có thể kèm tài sản gắn liền với đất) từ một đối tượng có quyền sử dụng đất;
  • Thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam, trong đó đối tác tại Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

5. Pháp luật về thuế

Khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đối với các loại thuế sau:

  • Thuế môn bài:Loại thuế này được nộp mỗi năm một lần. Các doanh nghiệp phải nộp loại thuế này vào tháng đầu tiên của năm dương lịch, doanh nghiệp mới thành lập phải nộp ngay trong tháng được cấp đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp mới được thành lập trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức thuế môn bài cả năm, nếu được thành lập trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp:Doanh nghiệp sẽ phải nộp loại thuế này dựa trên doanh thu của doanh nghiệp đó trong mỗi năm tài chính.
  • Thuế thu nhập cá nhân:Doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho những người lao động ký hợp đồng lao động với công ty dựa trên mức lương mà doanh nghiệp trả cho những người lao động đó.
  • Thuế giá trị gia tăng:Loại thuế này được tính trên hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để sản xuất, kinh doanh và mua sắm tại Việt Nam.
  • Một số loại thuế khác như: Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Thuế nhà thầu, Thuế thu nhập đặc biệt,…

6. Pháp luật về lao động

Theo quy định của Bộ luật lao động Việt Nam, hợp đồng lao động có ba (03) loại:

  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ (thời hạn dưới 12 tháng);
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn (thời hạn từ 12 – 36 tháng); và
  • Hợp đồng không xác định thời hạn.

Người sử dụng lao động và người lao động sau khi ký kết hợp đồng lao động thì phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc sau:

  • Bảo hiểm xã hội;
  • Bảo hiểm y tế; và
  • Bảo hiểm thất nghiệp.

Tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể trong luật chuyên ngành.

Nếu có nhu cầu tuyển dụng người lao động nước ngoài thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đó (ngoại trừ một số trường hợp được miễn giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam).

7. Pháp luật về môi trường

Nhà đầu tư hoạt động trong một số lĩnh vực phải thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường như sau:

  • Đánh giá môi trường chiến lược

Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm:

  • Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế – xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế;
  • Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;
  • Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp;
  • Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 02 tỉnh trở lên;
  • Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường;
  • Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của đối tượng thuộc các điểm nói trên.
  • Đánh giá tác động môi trường:

Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:

  • Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
  • Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
  • Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
  • Kế hoạch bảo vệ môi trường:

Đối tượng phải lập kế hoạch môi trường gồm:

  • Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
  • Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

8. Quy định về giải quyết tranh chấp

Nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các hình thức sau để có thể giải quyết tranh chấp với đối tác trong các hợp đồng thương mại:

  • Đàm phán hoặc hòa giải:Đây là hình thức giải quyết tranh chấp nhanh chóng nhất, giúp nhà đầu tư tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, cũng như mối quan hệ với đối tác.
  • Trọng tài:Đây là hình thức giải quyết tranh chấp yêu cầu phải có thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng thương mại. Thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản trong hợp đồng thương mại hoặc là một thỏa thuận tách rời hợp đồng. Thỏa thuận trọng tài có thể được các bên thỏa thuận trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
  • Tòa án:Đây là hình thức giải quyết mà các bên trong hợp đồng thương mại sử dụng khi có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc khi các bên không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc giải quyết tranh chấp.

 

Tin liên quan